Ngành ngân hàng 2025: Tín dụng tăng tốc, nợ xấu chạm đỉnh

Nguyễn Phương Huyền My
SSI Research vừa đưa ra nhận định thận trọng về triển vọng cổ phiếu ngành ngân hàng năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị và thương mại quốc tế đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, nếu căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, phân khúc doanh nghiệp FDI - vốn là nguồn huy động ngoại tệ và CASA (tiền gửi không kỳ hạn) lớn của các ngân hàng thương mại nhà nước - sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực, qua đó tạo áp lực lên hoạt động huy động vốn của nhóm ngân hàng này.
Tín dụng khởi sắc đầu năm nhờ đà tăng trưởng kinh tế
Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 đã trở thành động lực để các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân tín dụng ngay từ đầu năm.
Khối Ngân hàng Thương mại nhà nước ghi nhận mức tăng 3,3% so với cuối năm 2024, tương đương 18% so với cùng kỳ – cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ 1% trong quý I/2024.
Sự bứt phá này chủ yếu đến từ việc mở rộng thị phần bán lẻ – phân khúc vốn là thế mạnh của các ngân hàng lớn.
Trong khi đó, nhóm Ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho thấy đà tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, đạt 3,6% từ đầu năm, tương ứng 21% so với cùng kỳ.
Nhu cầu vốn lưu động từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất, logistics, bán lẻ và chứng khoán là yếu tố chính thúc đẩy tín dụng ở nhóm này.
Nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay bất động sản trên 10% như Techcombank (+14,8%), MBBank (+12,2%), HDBank (+12,3%) và MSB (+10%).
Bên cạnh đà tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực truyền thống, hoạt động cho vay đối với khối công ty chứng khoán cũng ghi nhận mức gia tăng đáng kể.
Cụ thể, tổng giá trị giải ngân ròng tại một số ngân hàng như TPBank, VIB, VPBank, MSB và MBB trong quý I/2025 đạt 20.500 tỷ đồng – cao hơn rõ rệt so với mức 18.800 tỷ đồng ghi nhận ở quý trước.
Song song đó, nhóm ngân hàng tham gia chương trình chuyển giao bắt buộc tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực.
Vietcombank, MBBank và VPBank lần lượt ghi nhận mức tăng tín dụng 4,7%, 6,4% và 8% so với thời điểm đầu năm, cho thấy sự chủ động trong việc mở rộng hoạt động tín dụng bất chấp bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.
Ngược lại, HDBank gây bất ngờ khi chỉ tăng trưởng tín dụng 1,2%, phần lớn do sự sụt giảm mạnh ở mảng tài trợ thương mại UPAS LC (giảm 61%).
Áp lực chất lượng tài sản và nợ xấu tăng nhanh
Dù tăng trưởng tín dụng ấn tượng, nhưng chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng vẫn chịu áp lực đáng kể.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự trì trệ của thị trường bất động sản, đặc biệt tại TP.HCM - nơi nhiều dự án chưa hoàn thiện pháp lý, thanh khoản yếu khiến người mua nhà chậm trả nợ hoặc ngừng thanh toán.
Tại một số ngân hàng cổ phần, các khoản vay mua nhà đã được phân loại lại thành nợ xấu do người vay không còn khả năng chi trả hoặc không thể bán tài sản.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng thương mại nhà nước đang chịu áp lực rủi ro gia tăng từ các khoản vay đã cơ cấu lại cho doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng.
Theo SSI Research, tỷ lệ hình thành nợ xấu toàn ngành trong quý I/2025 đã tăng lên 2,46%, tiệm cận mức đỉnh 2,58% từng ghi nhận trong quý I/2023. Số dư các khoản vay quá hạn tăng 11,6% so với quý trước, trong đó nợ nhóm 2 tăng 2,8% và nợ xấu tăng tới 20,4%.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng như ACB và MSB ghi nhận cải thiện nhẹ về chất lượng tài sản, lần lượt giảm 1 và 8 điểm cơ bản so với quý trước.
Dù tình hình nợ xấu có chiều hướng xấu đi, phần lớn ngân hàng lại không tăng mạnh trích lập dự phòng, thể hiện qua việc chi phí tín dụng không tăng tương ứng với tốc độ hình thành nợ xấu.
Đây là điểm cần lưu ý về mức độ thận trọng trong quản trị rủi ro của các ngân hàng trong giai đoạn hiện tại.
Nợ xấu dự kiến hạ nhiệt nửa cuối năm
Nhìn về trung hạn, SSI Research nhận định rằng tỷ lệ nợ xấu sẽ đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2025 trước khi có xu hướng giảm vào giai đoạn cuối năm.
Môi trường lãi suất duy trì ở mức thấp cùng các chính sách hỗ trợ người vay từ phía ngân hàng - như giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ - được kỳ vọng sẽ góp phần làm dịu áp lực nợ xấu.
Trong bối cảnh đó, giới đầu tư cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản, cũng như những tác động lan tỏa từ căng thẳng thương mại đến dòng vốn FDI - yếu tố quan trọng đối với các ngân hàng nhà nước.
Chất lượng tài sản sẽ là điểm mấu chốt phân hóa triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng trong thời gian tới.
Cùng cộng đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 94/2025, thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các giải pháp fintech trong lĩnh vực ngân hàng, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở rộng tiếp cận tài chính và hoàn thiện khung pháp lý. Xem thêm

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, sau 5 tháng tăng trưởng liên tiếp, lượng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế đã giảm, kéo theo sự sụt giảm trong tổng lượng huy động vốn của các ngân hàng vào đầu năm nay. Xem thêm

Thị trường tài chính Việt Nam gần đây liên tục đón nhận các báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024 của các ngân hàng thương mại. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đến cuối quý III/2024 đạt khoảng 9,7%. Xem thêm
